Nghị định 175/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nội dung nào của Nghị định 06/2021/NĐ-CP

Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng có hiệu lực từ ngày ký (ngày 30 tháng 12 năm 2024), trong đó sửa đổi, bổ sung các nội dung sau đây của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình:

Tất các có ngay trên phần mềm Thư viện QS – Tác giả: KS.Uông Thắng – zalo 0972.740.664

Điều 123. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2, bổ sung các khoản 2a, 2b, 2c và 2d vào sau khoản 2 Điều 24 như sau:

2. Thẩm quyền kiểm tra:

a) Hội đồng theo quy định tại Điều 25 Nghị định này kiểm tra đối với công trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình do Thủ tướng Chính phủ giao, công trình cấp đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này; công trình được chủ đầu tư đề nghị thực hiện kiểm tra theo quy định tại khoản 2d Điều này; trừ các công trình quy định tại điểm a khoản này, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và công trình sửa chữa, cải tạo;

c) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra các loại công trình xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định này, trừ các công trình quy định tại các điểm a và b khoản này; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp thực hiện kiểm tra cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền thực hiện kiểm tra đối với các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

2a. Riêng đối với các trường hợp cụ thể quy định tại khoản này, thẩm quyền kiểm tra đối với công trình quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này không thực hiện theo khoản 2 Điều này mà được quy định như sau:

a) Đối với công trình do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành quản lý thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ này thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải kiểm tra đối với các công trình thuộc lĩnh vực hàng không, đường sắt và hàng hải; trừ công trình quy định tại điểm đ khoản này;

c) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đối với các công trình thủy lợi, đê điều có mục tiêu đầu tư và phạm vi khai thác, bảo vệ liên quan từ 02 tỉnh trở lên;

d) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương kiểm tra đối với công trình năng lượng được xây dựng trên biển theo pháp luật về biển và pháp luật chuyên ngành nằm ngoài phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công trình thuộc dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư;

e) Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình lấn biển được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.

2b. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình được phân chia thành các dự án thành phần gồm nhiều công trình quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này có loại và cấp khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với các công trình thuộc dự án là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với công trình chính độc lập có cấp cao nhất của dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chính độc lập có cấp cao nhất của dự án thành phần; trường hợp gồm nhiều công trình chính có cùng một cấp cao nhất, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với các công trình thuộc dự án là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với công trình chính đã được lựa chọn để xác định cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

2c. Trường hợp công trình được xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên không thuộc thẩm quyền kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, chủ đầu tư gửi thông báo khởi công xây dựng công trình và hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng tới cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng để được cơ quan này thực hiện kiểm tra.

2d. Đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp I, chủ đầu tư được gửi thông báo khởi công xây dựng công trình hoặc hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để được kiểm tra. Chủ đầu tư chỉ được đề nghị một cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra đối với các công trình thuộc dự án.”.

b) Sửa đổi bổ sung khoản 5 Mục II Phụ lục I như sau:

“5. Công trình năng lượng:

Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử; điện gió, điện mặt trời (trừ các thiết bị sản xuất điện từ năng lượng mặt trời gắn trên mái công trình), điện địa nhiệt, điện thủy triều, điện rác (không bao gồm khu xử lý chất thải rắn), điện sinh khối; điện khí biogas; điện đồng phát; nhà máy cấp nhiệt, cấp hơi, cấp khí nén; đường dây truyền tải điện và trạm biến áp; cửa hàng/trạm bán lẻ xăng, dầu, khí hóa lỏng và các loại nhiên liệu, năng lượng khác; trạm cấp pin điện; trạm sạc điện (trừ các thiết bị/trụ sạc điện được lắp đặt vào công trình, hạng mục công trình để phục vụ cho tiện ích công trình và sử dụng cho phương tiện giao thông, các phương tiện, thiết bị khác hoặc được sử dụng cá nhân).”

c) Bổ sung khoản 7 Mục III Phụ lục I như sau:

“7. Công trình lấn biển.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 2 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị như sau:

“4. Công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới mặt đất, dưới mặt nước, gồm: Công trình công cộng ngầm được hình thành theo dự án độc lập; công trình giao thông ngầm; được xác định tại quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch không gian ngầm hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *