Xử lý thành viên liên danh vi phạm hợp đồng thế nào ?

Chúng ta luôn gặp phải những tình huống trong quá trình thực hiện hợp động dẫn đến nhiều khó khăn cho tất cả các bên liên quan. Cụ thể trường hợp một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì xử lý như thế nào ? Liệu các thành viên còn lại có ảnh hưởng gì ?

Tại khoản 22, Điều 131 – Xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng quy định như sau:

Trường hợp một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì xử lý như sau:

a) Phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đối với tất cả các thành viên liên danh;
b) Tịch thu giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của tất cả thành viên liên danh;
c) Chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên của liên danh mà vi phạm hợp đồng; trong trường hợp này, chỉ một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng bị coi là không hoàn thành hợp đồng và bị đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; các thành viên còn lại được tiếp tục thực hiện hợp đồng tương ứng với phần công việc đảm nhận trong liên danh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên liên danh, chủ đầu tư phải đăng tải thông tin thành viên liên danh vi phạm hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trong thông báo phải nêu rõ lý do vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng và gửi quyết định đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi;

d) Phần công việc của thành viên vi phạm được giao cho các thành viên còn lại thực hiện nếu các thành viên này đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp này, các thành viên còn lại phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng mới tương ứng với giá trị phần công việc chưa thực hiện của gói thầu;
đ) Trường hợp các thành viên còn lại từ chối thực hiện hoặc không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thì chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền cho phép tách phần công việc của thành viên vi phạm thành gói thầu riêng để chỉ định thầu theo quy định tại điểm đ khoản 20 Điều này hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

(Trích dẫn khoản 22 – Điều 131 – Nghị định số 24/2024/NĐ-CP)

Như vậy, với căn cứ trên chúng ta cần phải nắm được để biết xử lý như thế nào nếu xẩy ra hoặc cũng là nội dung cho thấy việc lựa chọn đối tác để liên danh trong khi tham gia đấu thầu cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để lựa chọn những đối tác đáng tin cậy, có năng lực và trách nhiệm cao.

Xem trình bày bằng video tại đây:

Biên tập: KS.Uông Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *