Quản lý dự án theo quy định mới nhất hiện nay có gì thay đổi so với các quy định trước đây. Hẳn chúng ta đều biết Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 3/3/2021, thay thế Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; Điều 1, Điều 4, từ Phụ lục I đến Phụ lục IX Nghị định số 100/2018/NĐ-CP Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Cơ sở pháp lý:
- Điều 20 – Nghị định số 15/2021/NĐ-CP
- Điều 62 – Luật Xây dựng số 50
- Khoản 19 – Điều 1 – Luật sửa đổi, bổ sung số 62
Các hình thức Quản lý dự án:
Các hình thức quản lý dự án được quy định tại Điều số 62 – Luật Xây dựng số 50, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 19 – Điều 1 – Luật sửa đổi, bổ sung số 62 như sau:
Về cơ bản gồm 4 hình thức quản lý dự án, đó là:
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (chi tiết tại Điều 21 – Nghị định số 15/2021/NĐ-CP)
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án (chi tiết tại Điều 22 – Nghị định số 15/2021/NĐ-CP)
- Thuê tư vấn quản lý dự án (chi tiết tại Điều 24 – Nghị định số 15/2021/NĐ-CP)
- Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc (có đủ năng lực) (chi tiết tại Điều 23 – Nghị định số 15/2021/NĐ-CP)
Với dự án vốn đầu tư công:
Người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, cụ thể như sau:
a) Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây gọi là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn;
b) Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo điểm a khoản này, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.
Lưu ý: Loại vốn này ưu tiên áp dụng điểm (a), không áp dụng được mới áp dụng hình thực quy định tại điểm (b) nêu trên.
Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác:
Người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.
Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài:
Hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Đối với dự án PPP:
Hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.