Công thức xác định giá sản phẩm nội thất

Đứng trên vai trò là một kỹ sư xây dựng với trên 20 năm và nhiều năm quản lý mảng QS các dự án đầu tư xây dựng, tôi nhận thấy rằng trong dự toán nội thất, việc xác định được giá của sản phẩm từ trước đến nay chưa thực sự được quan tâm một cách chuyên nghiệp. Cũng vì lý do đó mà các xưởng sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nội thất, công ty kiến trúc nội thất đã gặp rất nhiều khó khăn với việc lập và quản lý giá thành trong lĩnh vực nội thất như:

  • Quản lý chi phí vật liệu; nhân công; máy sản xuất;
  • Quản lý dòng tiền của từng hợp đồng (lãi, lỗ);
  • Phục vụ cho công tác quyết toán thuế khi làm việc với cơ quan thuế theo định kỳ;
  • Sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng và giá thành của vật liệu, phụ kiện đối với khách hàng, chủ đầu tư khi lắp đặt, nghiệm thu khối lượng theo hợp đồng đã ký;
  • Quản lý tỷ lệ hao hụt trong sản xuất một cách chuẩn xác nhất, hiệu quả nhất; Đảm bảo tiến độ công việc với những hợp đồng quy mô lớn, chuyên nghiệp từ hồ sơ đến thực tế;
  • Khó khăn trong giao khoán, lập kế hoạch sản xuất tổ đội tại các xưởng.

Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích và hướng dẫn công thức xác định giá thành của sản phẩm nội thất bất kỳ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực QS trong nội thất.

Công thức để xác định giá thành một sản phẩm nội thất như hình dưới đây, trong đó (hình trên):

Giá thành cung cấp (Gcc):
Là toàn bộ chi phí cuối cùng của sản phẩm để chào giá khách hàng, đàm phán hợp đồng và ký kết hợp đồng giữa các bên. Giá thành cung cấp có thể là giá xuất xưởng, báo giá cho khách hàng hoặc là phụ lục của hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.

Giá thành sản xuất (Gsx):
Là toàn bộ chi phí cuối cùng để sản xuất ra sản phẩm đó nhưng chưa xét đến chi  phí phụ kiện. Giá thành sản xuất tương tự cũng có thể là giá xuất xưởng, báo giá cho khách hàng hoặc là phụ lục của hợp đồng ký kết với chủ đầu tư. Nhưng khác với Gcc thì Gsx chưa xét đến yếu tố chi phí phụ kiện (Gpk). Vì sao, xin mời xem chi tiết trong định nghĩa về chi phí phụ kiện dưới đây.

Chi phí trực tiếp (T):
Là toàn bộ chi phí phải bỏ ra để trực tiếp sản xuất, gia công ra sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, của hợp đồng đã ký (thể hiện trong bản vẽ kỹ thuật hoặc bản vẽ 3D). Chi phí được cấu thành gồm các chi phí như:

  • Chi phí vật liệu (VL): Là toàn bộ chi phí của các vật liệu tham gia vào sản xuất, gia công sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, của hợp đồng đã ký được thể hiện hồ sơ thiết kế hoặc phương án thiết kế (thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế 3D). Xác định chi phí này thực chất là Khối lượng (m) x Đơn giá vật liệu (ĐGVL). Đối với người sản xuất, việc xác định và quản lý chí phí vật liệu đó là quản lý hiệu quả về hao hụt vật liệu trong khâu sản xuất, gia công, dự phòng trong bảo hành sản phẩm theo quy định của hợp đồng và tối ưu hóa phương án lựa chọn vật liệu nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm mong muốn.
  • Chi phí nhân công (NC): Là toàn bộ chi phí các nhân công tham gia vào sản xuất, gia công sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, hợp đồng đã ký. Trên thực tế nhân công trong lĩnh vực nội thất được xác định theo nhân công khoán (tỷ lệ %) hoặc nhân công được định mức cụ thể (đinh mức theo đơn vị sản phẩm của từng xưởng phụ thuộc vào năng lực tổ chức quản lý của xưởng).
  • Chi phí máy sản xuất cho một sản phẩm (M): Là toàn bộ chi phí của tất cả các máy móc và thiết bị tham gia vào sản xuất, gia công sản phẩm. Trên thực tế chi phí máy cũng tương tự được xác định theo chi phí máy khoán (tỷ lệ %) hoặc chi phí máy được định mức cụ thể.

Chi phí phụ kiện (Gpk):
Là toàn bộ chi cho mua sắm, lắp đặt phụ kiện. Sở dĩ trong phân tích về chi phí trực tiếp lại chưa bao gồm phụ kiện là do đặc thù phụ kiện là hàng hóa công nghiệp được sản xuất sẵn trên thị trường. Như vậy, đơn giá của phụ kiện là giá mà nhà cung cấp bán cho khách hàng, người tiêu dùng nên các xưởng sản xuất, các đơn vị tư vấn không thể tính thêm các chi phí đuôi đi kèm như chi phí trực tiếp (T) trong hình trên .

Chi phí gián tiếp (GT):
Là toàn bộ chi phí chưa (hoặc không) thể xác định ngay được khối lượng từ khâu thiết kế, sản xuất thi công. Tuy nhiên vẫn phải có trong quá trình sản xuất và thi công lắp đặt sản phẩm nội thất. Chi phí này phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, từng đơn hàng, từng hợp đồng và từng quy mô sản xuất của các đơn vị. Do đó chi phí này được xác định theo tỷ lệ % theo từng doanh nghiệp cụ thể.

Lợi nhuận trước thuế (LN):
Là lợi nhuận của bên sản xuất và cung cấp sản phẩm nội thất để tái đầu tư, để duy trì hoạt động kinh doanh của bên sản xuất. Đây là yếu tố cạnh tranh của từng đơn vị trong việc tham gia đấu thầu, chào giá và đàm phán hợp đồng. Xác định theo tỷ lệ % của từng doanh nghiệp.

Thuế VAT:
Là thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Một số người có quan niệm rằng làm tư nhân thì không cần xét đến yếu tố này, đó là hiểu chưa đúng về pháp lệnh thuế và lệ phí theo luật pháp Việt Nam về các sản phẩm có giá trị gia tăng. Mọi sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có giá trị gia tăng đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

Trên đây là những phân tích về công thức xác định giá thành sản phẩm nội thất trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nó là nội dung cột lõi của dự toán nội thất (QS) hay mở rộng hơn là vai trò của QS trong nội thất.
Khi đơn vị bạn có sự chuyên nghiệp như trên thì những hạn chế về mặt quản lý giá, quản lý hợp đồng từ khâu thiết kế, tư vấn khách hàng Đến sản xuất, gia công Lắp đặt, bàn giao Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán và bảo hành luôn đồng bộ, chuyên nghiệp và trách sai xót, thất thoát, lãng phí không đáng có.

Song hành cùng với những kiến thức phân tích trên, việc ứng dụng Phần mềm dự toán nội thất AiPro vào quản lý giá, quản lý hợp đồng theo đúng tinh thần 4.0 sẽ giúp các quý vị vô cùng dễ dàng thực hiện những nội dung trên đảm bảo sự chuyên nghiệp, tiến độ, lợi nhuận và hiệu quả chung được tối ưu nhất.

Xem hướng dẫn, đăng ký dùng thử Phần mềm dự toán nội thất AiPro và thông tin khóa học dự toán nội thất tại đây: Đăng ký

Biên tập: KS. Uông Thắng