Bàn về Nguyên giá ca máy

Nguyên giá ca máy hiện nay được định nghĩa tại điểm (c) – Mục 1.1 – Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2019/TT-BXD như sau:

– Nguyên giá của máy để tính giá ca máy được xác định theo giá máy mới, phù hợp với mặt bằng thị trường của loại máy sử dụng để thi công xây dựng công trình.
– Nguyên giá của máy là toàn bộ các chi phí để đầu tư mua máy tính đến thời điểm đưa máy vào trạng thái sẵn sàng sử dụng gồm giá mua máy (không kể chi phí cho vật tư, phụ tùng thay thế mua kèm theo), thuế nhập khẩu (nếu có), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, chi phí lưu kho, chi phí lắp đặt (lần đầu tại một công trình), chi phí chuyển giao công nghệ (nếu có), chạy thử, các khoản chi phí hợp lệ khác có liên quan trực tiếp đến việc đầu tư máy, không bao gồm thuế VAT.
– Nguyên giá của máy không bao gồm các chi phí như quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này và các chi phí như: chi phí lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray, cần trục tháp và các thiết bị, máy thi công xây dựng tương tự khác từ lần thứ hai trở đi. Các chi phí này được xác định bằng cách lập dự toán và được tính vào chi phí gián tiếp trong dự toán xây dựng công trình.

(Theo mục 1.1 – Phụ lục 1 – Thông tư 11/2019/TT-BXD có hiệu lực ngày 15.2.2020)

Nguyên giá của máy được xác định trên cơ sở các số liệu sau:

+ Khảo sát nguyên giá máy thi công của các doanh nghiệp hoạt động trên địa
bàn tỉnh về lĩnh vực thiết bị công trình xây dựng, kinh doanh cung cấp, cho thuê máy
móc, thiết bị xây dựng, doanh nghiệp xây dựng có thiết bị máy móc xây dựng; báo
giá của nhà cung cấp, theo hợp đồng mua bán máy và các chi phí khác liên quan để
đưa máy vào trạng thái sẵn sàng hoạt động;

+ Tham khảo nguyên giá máy từ các công trình tương tự đã và đang thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với mặt bằng giá máy trên thị trường tại thời điểm tính giá ca máy;
+ Tham khảo nguyên giá máy các địa phương lân cận công bố hoặc nguyên
giá máy tham chiếu của Bộ Xây dựng tại Phụ lục 2 Thông tư này.

(Theo mục 1.1 – Phụ lục 1 – Thông tư 11/2019/TT-BXD có hiệu lực ngày 15.2.2020)

Như vậy, nhìn vào các định nghĩa và nguyên tắc trên rõ ràng việc xác định nguyên giá ca máy là công việc rất khó khăn và phức tạp khi thực hiện lập và phê duyệt dự toán các công trình cụ thể. Do đó đứng trên góc độ là một tư vấn thiết kế tôi xin đưa ra các gợi ý sau đây (một lưu ý rằng nguyên giá trong phụ lục định mức hao phí ca máy ban hành kèm theo Thông tư 11/2019/TT-BXD được ghi là “tham khảo”):

  • Hãy tham khảo nguyên giá của địa phương công bố (địa phương nơi dự kiến đầu tư xây dựng công trình). Thông thường nguyên giá được công bố trong bảng đơn giá ca máy của địa phương;
  • Trường hợp bảng đơn giá ca máy của địa phương công bố chỉ bao gồm đơn giá ca máy và một vài yếu tố nhưng không có thông tin về nguyên giá ca máy, bạn có thể nội suy từ bảng đơn giá ca máy này để biết được nguyên giá họ sử dụng để xác định ra các đơn giá ca máy trong bảng đó là bao nhiêu. Việc thực hiện tính toán số học nội suy căn cứ vào công thức xác định giá ca máy (có thể tham khảo bài học về hướng dẫn nội suy nguyên giá ca máy trong nhóm facebook Thực hành dự toán);
  • Trường hợp các dự án lớn, một số máy rất đặc thù mà địa phương, Thông tư 11 cũng không công bố, ban hành. Như vậy khi đó dự án của bạn bắt buộc phải xây dựng nguyên giá ca máy theo các nguyên tắc nêu trên.

Trên đây là một số nội dung bàn về nguyên giá ca máy, hy vọng giúp cho bạn đọc có được cái nhìn tổng quát nhất khi ứng dụng vào thực tế. Chúc bạn đọc thành công !

KS. Uông Thắng